GEM Global - Đối tác đào tạo tin cậy của các doanh nghiệp
Là một thành viên của tổ chức đào tạo Smart Train, Học Viện Quản Lý GEM (GEM Global) là đối tác đào tạo tin cậy về Quản lý và Lãnh đạo của các Doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Gallup, số lượng người căng thẳng, lo âu và buồn bã đã gia tăng trên toàn cầu trong thập kỷ qua kể cả trước khi đại dịch xảy ra. Theo một nghiên cứu của KFF vào đầu năm 2023 cho thấy, có đến 32.3% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm.
Một điều may mắn hiện nay chính là, đã có nhiều công ty đang tiếp nhận xu hướng này và đồng thời cố gắng tìm ra phương hướng giải quyết bằng cách thúc đẩy “mindful – tỉnh thức” tại nơi làm việc.
Vậy “Mindful leaders” hay “lãnh đạo tỉnh thức” là gì, và điều này có thể giúp giảm bớt tình trạng kiệt sức trong các tổ chức như thế nào, hãy cùng GEM Global tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Mindful Leaders (Lãnh đạo tỉnh thức) là gì?
Trang mindful.org định nghĩa “mindful” là “khả năng con người tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, nhận thức được bản thân đang ở đâu, đang làm gì, biết chế ngự cảm xúc và làm chủ suy nghĩ, không có những phản ứng thái quá hoặc bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra xung quanh.”
Trong số những công ty đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy mindful tại nơi làm việc có Mindful Workplace Alliance (MWA) – gồm một nhóm các nhà lãnh đạo từ các công ty như LinkedIn, Google và Intel. Theo Peter Bostelmann – Giám đốc Mindfulness tại SAP – cho biết, công ty đã đạt được ROI 200% nhờ vào việc đào tạo giúp nhân viên thêm gắn kết, tin tưởng vào ban lãnh đạo và giảm tình trạng absenteeism (tình trạng thường xuyên vắng mặt).
“Tỉnh thức” tại nơi làm việc mang lại nhiều lợi ích, nhưng để thực hiện hiệu quả điều này những nhà lãnh đạo, người dẫn đầu trong các tổ chức phải có sự quyết tâm và kiên trì. Trong cuốn sách “Mindfully Wise Leadership: The Secret of Today’s Leaders”, tiến sĩ Keren Tsuk đã chia sẻ 5 phẩm chất cần thiết của một “nhà lãnh đạo tỉnh thức”.
5 phẩm chất làm nên một “nhà lãnh đạo tỉnh thức”
“Nhà lãnh đạo tỉnh thức” cần có lòng trắc ẩn
Sự kết nối về mặt cảm xúc giữa nhân viên là điều quan trọng để tạo ra cảm giác gắn bó và đạt được mục tiêu chung. Các kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, cấp dưới như thể hiện sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự chấp nhận bản thân giúp nhà lãnh đạo dễ dàng làm việc với nhiều đội nhóm khác nhau.
Một cách để thể hiện lòng trắc ẩn là bạn có thể dành thời gian cho quá trình onboarding (quá trình nhập môn cho nhân viên mới), hoặc bạn cũng có thể tạo ra những cuộc gặp thân mật giữa lãnh đạo và nhân viên mới. Cuối cùng, hãy cân nhắc thực hiện những hành động đơn giản chẳng hạn như mời nhân viên mới đi ăn trưa nhằm kết nối với họ ở mức độ cá nhân hơn.
“Nhà lãnh đạo tỉnh thức” phải tư duy linh hoạt
Các nhà lãnh đạo tỉnh thức cần có tư duy linh hoạt. Bạn cần biết khi nào nên tạm dừng để xem xét một vấn đề và xoay chuyển tình huống khi cần thiết. Luôn tham gia vào mọi hoạt động trong kế hoạch, linh hoạt và chấp nhận các thông tin mới mà không phán xét sẽ giúp nhà lãnh đạo có được nhiều ý tưởng mới.
Để thực hiện điều này, các nhà lãnh đạo nên yêu cầu nhân viên đưa ra ý kiến hoặc nhận xét về những gì hiệu quả hay không hiệu quả trong quá trình thực hiện kế hoạch. Hãy cởi mở đưa ra những phản hồi tích cực và mang tính xây dựng, xem những điều này là cơ hội để bạn trau dồi và phát triển.
Sự hiện diện là vô cùng quan trọng với “nhà lãnh đạo tỉnh thức”
Những nhà lãnh đạo tỉnh thức cần phải hiện diện mọi nơi mọi lúc trong các dự án, kế hoạch của đội ngũ. Khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động cùng nhân viên, bạn sẽ cụ thể hóa được các giải pháp. Bằng cách giảm các xung đột gây ra bởi cảm xúc và tính cách của mỗi người, sự hiện diện của bạn sẽ giúp tạo ra sự gắn kết tốt hơn giữa các mục tiêu và khả năng của nhân viên để đạt được những mục tiêu đó.
Hãy chủ động nắm lấy vấn đề trong tay bạn, nếu có điều gì đó không ổn trong kế hoạch bạn hãy cố gắng hành động và giải quyết nhanh chóng, đồng thời can đảm chấp nhận bị tổn thương và thừa nhận rằng bạn không thể biết tất cả mọi thứ.
Khi bạn hiện diện trong đội nhóm của mình nhưng không tìm ra được phương hướng và câu trả lời cho các vấn đề, điều này cũng sẽ khiến những người khác chẳng hạn nhân viên cấp dưới dễ bị tổn thương theo cách tương tự như bạn.
“Nhà lãnh đạo tỉnh thức” không ngại giao tiếp minh bạch
Một nhà lãnh đạo tỉnh thức là người sẽ cố gắng giao tiếp trực tiếp và chân thành nhất với mọi người. Bạn cần tạo ra một môi trường nơi nhân viên có thể thoải mái tương tác, lắng nghe và phát triển thông qua nhau. Cách tiếp cận này sẽ cho phép tổ chức duy trì sự năng động và thích nghi được với hoàn cảnh khi có sự thay đổi.
Hãy cố gắng tạo các cuộc trao đổi minh bạch với nhân viên của bạn ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Giao tiếp minh bạch giúp nhân viên cảm nhận được sự tôn trọng của bạn đối với họ, giúp họ giãi bày những quan điểm cũng như suy nghĩ về công việc, từ đó tìm ra phương hướng giải quyết có lợi cho đôi bên.
“Nhà lãnh đạo tỉnh thức” cũng cần dựa vào trực giác
Kết nối với trực giác có nghĩa là bạn quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc thật trong bản thân mình. Khi việc giải quyết vấn đề là điều sống còn trong thế giới kinh doanh và hầu hết mọi người chỉ sử dụng lý trí, bạn cũng phải tin tưởng vào trực giác và bản thân trước khi vượt qua những trở ngại.
Trực giác mạnh mẽ cho phép bạn sáng tạo và tự nhận thức rõ hơn về hoàn cảnh. Do đó, bạn hãy thực hành sử dụng trực giác của bạn hoặc lắng nghe bản thân mình nhiều hơn một chút. Như Tsuk đã chỉ ra: “Trước tiên chúng ta phải phát triển lòng tin sâu sắc vào chính mình, bao gồm cả lòng dũng cảm để làm theo trực giác của bản thân kể cả khi điều này có thể đi ngược lại với những kỳ vọng của người khác. Thực hiện được điều này bạn sẽ có thể biến những ước mơ thành công thành sự thật, khiến nó bén rễ và đơm hoa kết trái. ”