GEM Global - Đối tác đào tạo tin cậy của các doanh nghiệp
Là một thành viên của tổ chức đào tạo Smart Train, Học Viện Quản Lý GEM (GEM Global) là đối tác đào tạo tin cậy về Quản lý và Lãnh đạo của các Doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, khủng hoảng kinh tế là thứ khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại và khốn đốn. Tuy nhiên lịch sử cũng ghi nhận chính thời khủng hoảng lại ra đời nhiều công ty thành công.
Uber
Uber ra mắt đầu năm 2009. Lúc ấy, dịch vụ này được định vị là cách thay thế tiện hơn, rẻ hơn so với bắt taxi. Và chính yếu tố “rẻ hơn” này lại đánh trúng được nỗi đau của khách hàng, bởi vì khi đó kinh tế suy thoái, ai cũng muốn tiết kiệm.
Ý tưởng đi chung xe của Uber một phần được gợi cảm hứng từ trải nghiệm của người đồng sáng lập Garrett Camp. Lúc đó ông đã thuê một cuốc xe tài xế riêng 800 USD cho mình và bạn bè vào đêm giao thừa. Việc đi chung xe này giúp ông nảy ra ý tưởng, và ông đã cùng người đồng sáng lập Travis Kalanick thảo luận về việc mô hình chia nhỏ chi phí, giúp việc di chuyển rẻ hơn đáng kể. Từ đó, họ bắt tay vào xây dựng ứng dụng. Ưu điểm “tiết kiệm tiền” này giúp Uber chiếm được cảm tình của những khách hàng có thói quen chi tiêu tiết kiệm.
Kể từ đó đến nay, Uber gặp phải một số khó khăn đáng kể, từ cáo buộc quấy rối tình dục, văn hóa làm việc độc hại đến việc bị phạt 20 triệu USD vì những hoạt động liên quan đến tuyển dụng tài xế, dẫn đến việc ông Kalanick bị sa thải vào năm 2017.
Tuy nhiên những điều này không thể phủ nhận rằng Uber đã làm thay đổi ngành công nghiệp vận tải, cũng như truyền cảm hứng cho các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn Lyft, Grab hay Gojek. Hiện nay Uber có giá trị thị trường khoảng 50 tỷ USD.
Groupon
Groupon là sàn thương mại điện tử giúp người dùng theo dõi và săn các phiếu giảm giá sử dụng tại các đơn vị bán lẻ địa phương. Vậy nên đây cũng là một ứng dụng rất yêu thích của những người muốn tiết kiệm tiền.
Tiền thân của Groupon là website The Point, được Andrew Mason xây dựng năm 2007. The Point là một nơi mà mọi người có thể tập hợp lại thành từng nhóm để tạo nên và đạt được một mục tiêu chung nào đó. Và rồi trong thời kỳ suy thoái, mục tiêu của các nhóm là cùng nhau mua hàng theo lố để tiết kiệm tiền thông qua các mã giảm giá.
Mason và người đồng sáng lập Eric Lefkofsky ngay lập tức nhận thấy xu hướng này chính là một ý tưởng kinh doanh khả thi. Thế là họ quyết định đổi The Point thành Groupon – một từ ghép bởi group (nhóm) và coupon (phiếu giảm giá).
Mô hình mới lạ này giúp Groupon nhanh chóng ăn nên làm ra. Đến năm 2014, họ sở hữu đến 54 triệu người dùng.
Tuy nhiên dạo gần đây mọi chuyện cũng không suôn sẻ với Groupon lắm. Năm 2020, công ty phải cho khoảng 40% lực lượng lao động (gần 2.800 người) nghỉ việc vì kinh doanh sụt giảm do dịch COVID-19. Đến đầu năm nay họ tiếp tục sa thải thêm 500 nhân viên. Và số người dùng của họ ở thời điểm này chỉ là hơn 20 triệu, chưa bằng một nửa năm 2014.
Mặc dù vậy đây vẫn là một ý tưởng kinh doanh đáng chú ý. Và bất chấp khó khăn, thì công ty vẫn đang có mức giá thị trường là hơn 200 triệu USD.
WhatsApp
Ứng dụng nhắn tin phổ biến WhatsApp ra đời tháng 2 năm 2009 bởi Brian Acton và Jan Koum. Có lẽ ý tưởng để bộ đôi này xây dựng WhatsApp không phải bắt đầu từ suy thoái, thế nhưng họ là người nhận thức rõ các thăng trầm của thị trường.
Trước đó họ từng làm việc ở Yahoo gần 10 năm, và Acton lỗ hàng triệu đô khi bong bóng dotcom vỡ vào năm 2000. Cả hai rời Yahoo năm 2007, du lịch vòng quanh Nam Phi trước khi bắt tay thực hiện dự án mới.
Tháng 1 năm 2009, Apple cho ra mắt App Store trên hệ điều hành iOS, và bản thân Koum cũng sở hữu một chiếc iPhone. Bộ đôi dự đoán được sẽ có một làn sóng bùng nổ ứng dụng. Do đó họ bắt đầu suy nghĩ việc kinh doanh từ làn sóng này.
Thuở ban đầu, WhatsApp có tính năng cho phép người dùng cập nhật trạng thái cho những người nằm trong danh bạ điện thoại. Nhưng tính năng này liên tục mắc lỗi và cũng không nhiều người hứng thú. Vì vậy Koum và Acton thay đổi WhatsApp, biến nó thành một dịch vụ nhắn tin tức thì.
Cho đến bây giờ không gì có thể phủ nhận sự thành công của WhatsApp. Năm 2014, Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD, biến Koum và Acton thành tỷ phú. Bộ đôi tiếp tục gắn bó với WhatsApp cho đến năm 2018, khi họ ra đi vì bất đồng ý kiến về dịch vụ quảng cáo Facebook trên nền tảng WhatsApp. Nhưng có vẻ cuộc chia tay này không ảnh hưởng nhiều đến WhatsApp lắm, khi ứng dụng này vẫn đứng top đầu trong năm 2020 với hơn 2 tỷ người dùng toàn cầu.
Những câu chuyện từ Uber, Groupon và WhatsApp là minh chứng cho việc những khó khăn về điều kiện kinh tế xung quanh không thể ngăn chặn hoàn toàn việc biến những ý tưởng kinh doanh hay ho thành những công ty, những vụ làm ăn thành công mỹ mãn.