GEM Global - Trusted training partner of businesses
As a member of Smart Train training organization, GEM Institute of Management (GEM Global) is a reliable training partner in Management and Leadership of Enterprises in Vietnam.
Chúng ta hẳn đều đã nghe nói về “great resignation” (đại khủng hoảng lao động) sau đại dịch khi tỷ lệ người nghỉ việc trên toàn cầu đạt đến mức cực cao. Việc nghỉ việc thầm lặng (Quiet Quitting) sau đó đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi mức độ gắn kết và hiệu suất của nhân viên giảm sút nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một cụm từ thông dụng mới đang xuất hiện gần đây cho thấy những người lao động bị bỏ lại phía sau phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn cũng như khối lượng công việc tăng lên ngoài phạm vi công việc mà không được thăng chức, bổ nhiệm chức danh mới hoặc tăng lương. Đó chính là “thăng chức thầm lặng” (Quiet Promotion).
Hãy cùng GEM Global tìm hiểu về xu hướng Quiet Promotion cũng như những tác động tiêu cực mà nó mang lại cho các doanh nghiệp hiện nay.
Quiet Promotion là gì?
Quiet Promotion hay thăng chức thầm lặng là một giải pháp nhanh chóng nhưng khắc nghiệt cho vấn đề nhân sự của công ty, hậu quả là gây thêm áp lực về công việc cho các nhân viên hiện có. Khi các công ty phải ứng phó với tỷ lệ thay thế nhân viên cao, những nhân viên trung thành bị bỏ lại phía sau phải gánh thêm nhiều trách nhiệm mà không có bất kỳ sự thay đổi nào về lương thưởng và chức danh. Và các tổ chức thậm chí còn không thừa nhận hiện trạng không công bằng này mà vẫn tiếp tục áp đặt lên nhân viên trong đội ngũ.
Quiet Promotion có thể bắt nguồn từ những điều sau đây:
Thiếu sự giao tiếp giữa các thành viên trong tổ chức
Sự quản lý kém từ đội ngũ lãnh đạo
Kế hoạch hoạch định và phát triển của doanh nghiệp không phù hợp
Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải nhận ra sự tồn tại của hiện trạng Quiet Promotion tại nơi làm việc hoặc dự đoán nguy cơ mất đi những nhân viên tài năng.
Quiet Promotion phổ biến như thế nào?
Có một sự thật đáng buồn rằng, hiện trạng Quiet Promotion không phải là điều bất thường như nhiều người vẫn nghĩ. Theo trang web đánh giá nhà tuyển dụng JobSage, có 78% người lao động được khảo sát đã trải qua sự thăng chức thầm lặng – cụ thể là khối lượng công việc của họ có tăng lên nhưng không được tăng lương. Ngoài ra, có 67% người phải gánh thêm công việc sau khi một đồng nghiệp rời công ty.
Khi khối lượng công việc của công ty luôn thay đổi, thì việc thăng chức thầm lặng sẽ gây áp lực và căng thẳng cho những nhân viên trung thành. Mặc dù Quiet Promotion có thể xảy ra trong bất kỳ tổ chức nào, nhưng các ngành sau đây sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất:
Nghệ thuật và Thiết kế
Dịch vụ
Dịch vụ ăn uống
Chính phủ
Giáo dục
Theo dữ liệu của JobSage, những ngành này có 80% hoặc nhiều khả năng nhân viên bị tăng khối lượng công việc mà không trả thêm thù lao – trong đó ngành liên quan đến nghệ thuật, thiết kế và dịch vụ đạt gần 90%.
Quiet Promotion tác động gì đến doanh nghiệp?
Việc thăng chức thầm lặng gây nhiều bất lợi nghiêm trọng tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động và người lao động. Dưới đây là một số vấn đề mà Quiet Promotion gây ra cho các doanh nghiệp:
Quiet Promotion khiến nhân viên nảy sinh sự ấm ức
Hầu hết nhân viên đều muốn được thăng chức và thăng tiến trong công ty với một chức danh mới và được tăng lương. Tuy nhiên, sự ấm ức sẽ nảy sinh khi quản lý giao cho họ nhiều công việc và trách nhiệm hơn mà không tăng lương hay thay đổi chức danh. Trong cuộc khảo sát của JobSage, có 68% số người được khảo sát nhận thấy họ phải đảm nhận nhiều công việc hơn những người khác có cùng chức danh và 57% cảm thấy bị cấp trên lừa dối hoặc lợi dụng.
Quiet Promotion tạo nên một văn hóa công ty độc hại
Khi nhân viên chìm đắm trong sự ấm ức và không hài lòng, việc duy trì văn hóa công ty lành mạnh sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhân viên muốn các nhà quản lý tạo ra một nơi làm việc với sự tin tưởng và được công nhận. Khi nhân viên không được tôn trọng, những mối quan hệ gắn kết sẽ không thể tiếp tục và văn hóa của công ty dần trở nên độc hại.
Quiet Promotion phá hủy năng suất của tổ chức
Mặc dù việc thăng chức thầm lặng có thể giúp tăng năng suất vào thời gian đầu, nhưng về lâu dài chúng sẽ tác động tiêu cực đến tinh thần, thúc đẩy tỷ lệ nghỉ việc và tăng tình trạng kiệt sức của nhân viên, để cuối cùng là phá hủy năng suất của tổ chức.
Quiet Promotion làm tổn hại danh tiếng của doanh nghiệp
Danh tiếng của một công ty là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Nếu một tổ chức nổi tiếng là có tình trạng Quiet Promotion, những ứng viên đầy triển vọng sẽ không chấp nhận làm việc và những nhân viên trung thành sẽ rời đi.
Làm thế nào để giảm thiểu Quiet Promotion trong doanh nghiệp?
Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn xây dựng một môi trường lành mạnh, nơi nhân viên làm việc cho ra hiệu suất cao. Khi khối lượng công việc thay đổi và các vấn đề về nhân sự xảy ra, các nhà quản lý phải cân bằng tính công bằng và trách nhiệm trong phân chia công việc, đồng thời phải giữ năng suất cao và sự gắn kết của nhân viên.
Dưới đây là một số cách thức để giữ cho đội ngũ của bạn làm việc hiệu quả và tránh hiện trạng Quiet Promotion.
1. Chọn đội ngũ lãnh đạo phù hợp
Các nhà lãnh đạo công ty là chìa khóa để tránh Quiet Promotion, họ sẽ tìm cách cân bằng trách nhiệm trong khi ưu tiên sức khỏe và sự gắn kết của nhân viên.
Lựa chọn đội ngũ lãnh đạo và quản lý phù hợp là vô cùng quan trọng khi tuyển dụng và giữ chân nhân viên cũng như duy trì danh tiếng của nhà tuyển dụng. Việc giao sai người phụ trách có thể khiến nhân viên xa lánh và cuối cùng khiến doanh nghiệp của bạn đi sai hướng.
2. Lập và thực hiện kế hoạch giao việc một cách công bằng
Các lãnh đạo và quản lý phải tạo ra một kế hoạch giao việc để tăng năng suất đồng thời tránh cho họ làm việc quá sức. Một số gợi ý để lập kế hoạch này bao gồm:
Nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong đội ngũ
Khuyến khích mọi người tham gia vào việc quyết định xem nhiệm vụ nào là quan trọng nhất. Họ nên tập trung vào đâu và họ phải làm gì để hoàn thành những trách nhiệm quan trọng?
Tìm điểm nổi bật khi lập kế hoạch
Là người quản lý, một phần của quy trình lập kế hoạch là tạo ra một kế hoạch hành động trong đó mọi người sẽ làm những công việc theo thế mạnh của họ. Đừng để nhân viên nhận những nhiệm vụ vượt quá khả năng từ quản lý cấp cao.
Cho nhân viên khoảng thời gian làm việc tập trung
Khuyến khích các thành viên trong đội ngũ dành một vài giờ mỗi sáng để làm việc thật tập trung, không bị phân tâm. Một nghiên cứu từ Đại học California cho biết họ đã đo lường các chỉ số gián đoạn và phát hiện ra rằng phải mất 23 phút để nhân viên tái tập trung sau khi bị phân tâm. Những gián đoạn nhỏ trong suốt ngày làm việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của nhân viên, lãng phí thời gian và khiến việc đáp ứng thời hạn của kế hoạch trở nên khó khăn.
Đặt thời lượng cho các cuộc họp
Các cuộc họp có thể gây lãng phí nếu kéo dài thời gian quá lâu. Nếu là các cuộc họp không quá cần thiết và cấp bách, bạn nên tìm cách rút ngắn các cuộc họp hoặc biến chúng thành các email trao đổi hoặc trò chuyện video. Đặt giới hạn về thời lượng cuộc họp có thể giúp ngăn chặn tình trạng kiệt sức về mặt tinh thần của nhóm bạn.
3. Làm rõ với nhân viên của bạn về công việc họ đảm nhận
Làm rõ với nhân viên của bạn về công việc họ đảm nhận là điều rất quan trọng. Có thể có lúc bạn muốn điều chỉnh hoặc thay đổi khối lượng công việc hoặc vai trò của nhân viên mà không cần thăng chức. Trong trường hợp như vậy, bạn hãy trình bày rõ ràng về các trách nhiệm mà bạn giao thêm cho họ và lý do tại sao, nhân viên của bạn cần biết được liệu khối lượng công việc bổ sung của họ là tạm thời hay có hướng tới việc thăng chức, tăng lương hay không.
Nếu bạn phải yêu cầu một nhân viên cố gắng hết sức nhưng không có kế hoạch thăng chức cho họ, hãy nói rõ về điều đó. Bạn có thể cân nhắc việc đưa ra các khoản tiền thưởng như một khoản đền bù và đừng làm cho khối lượng công việc của họ tiếp tục tăng lên. Hãy thảo luận với nhân viên của bạn thật kỹ về vấn đề này và đi đến kết luận chung cho 2 bên.
4. Giao tiếp với nhân viên thật hiệu quả và minh bạch
Giao tiếp là việc rất quan trọng để tránh Quiet Promotion. Các nhà lãnh đạo và quản lý giỏi đều có khả năng giao tiếp với nhân viên một cách hiệu quả để dẫn dắt và truyền cảm hứng. Họ phân công nhiệm vụ, quản lý xung đột, khuyến khích và phát triển các mối quan hệ – tất cả những điều này yêu cầu khả năng giao tiếp thật tốt.
Điều quan trọng là các cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo, quản lý với nhân viên phải nhất quán và có chủ đích để đánh giá khối lượng công việc cũng như cảm xúc của họ, và xem liệu có hỗ trợ được những gì mà họ cần hay không.
Bất kỳ nhân viên nào cũng mưu cầu sự cân bằng tích cực giữa công việc và cuộc sống, một công việc mang lại nhiều giá trị và sự phát triển trong nghề nghiệp. Khi tổ chức của bạn có thể cung cấp cả ba yếu tố này, bạn sẽ có được một lực lượng lao động trung thành, năng suất và gắn bó. Khi nhân viên và công ty hiểu mục tiêu của nhau, họ có thể làm việc cùng nhau để đảm bảo mọi nhu cầu đều được đáp ứng.
5. Công nhận nhân viên, khuyến khích tinh thần trách nhiệm
Trong một môi trường nơi nhân viên cảm thấy được trao quyền và có ý thức sở hữu công việc của họ, họ sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn. Nếu các nhà quản lý giao cho nhân viên nhiều trách nhiệm hơn, thì điều đó phải đi đôi với sự công nhận và khen thưởng xứng đáng để nhân viên tiếp tục cố gắng.
6. Tìm cách thức động viên khác ngoài tiền lương
Phúc lợi không phải lúc nào cũng có nghĩa là tăng lương. Nếu nhân viên của bạn đang làm thêm nhiều công việc khác, hãy cân nhắc cung cấp nhiều lợi ích hơn cho nhân viên như thời gian nghỉ có lương (PTO), lịch làm việc linh hoạt và các lựa chọn làm việc từ xa (remote) hoặc kết hợp (hybrid). Nhân viên sẽ đánh giá cao các đặc quyền này vì chúng giúp tăng cường sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và có thêm nhiều cơ hội để theo đuổi sự phát triển nghề nghiệp.
Nhân viên là tài sản lớn nhất của tổ chức
Khi các tổ chức đấu tranh để giữ chân những nhân viên tài năng, họ không thể để hiện trạng Quiet Promotion phá nhiễu văn hóa nơi làm việc của họ. Nhân viên xứng đáng có được sự cân bằng tích cực giữa công việc và cuộc sống, các phúc lợi, lương thưởng xứng đáng và sự tôn trọng. Giữ cho các cuộc giao tiếp luôn cởi mở với nhân viên và giao việc một cách thận trọng có thể giúp họ không cảm thấy quá tải và bị đánh giá thấp.
Khi một tổ chức thiết lập được văn hóa công ty nơi nhân viên cảm thấy được trân trọng và gắn bó, mọi người đều được hưởng lợi.