GEM Global - Trusted training partner of businesses
As a member of Smart Train training organization, GEM Institute of Management (GEM Global) is a reliable training partner in Management and Leadership of Enterprises in Vietnam.
Người quản lý thành công luôn là nguồn cảm hứng và tấm gương đáng ngưỡng mộ trong thế giới lãnh đạo và quản lý. Họ sở hữu những đặc điểm và phẩm chất xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của tổ chức và tạo ảnh hưởng tích cực trong sự nghiệp của bản thân.
Tuy nhiên, để trở thành một người quản lý thành công không hề dễ dàng mà đòi hỏi họ phải thường xuyên luyện tập và trau dồi. Vậy điều gì làm nên một người quản lý thành công, và những sai lầm thường gặp trong quá trình phát triển của họ là gì?
Trong bài viết này, hãy cùng GEM Global tìm hiểu chân dung của những nhà quản lý thế hệ mới, điểm qua những đặc điểm quan trọng của họ cũng như rút ra bài học từ những sai lầm có thể mắc phải, từ đó áp dụng vào thực tế sự nghiệp.
Đặc điểm của nhà quản lý thế hệ mới
1. Trở thành huấn luyện viên (coach) tốt
Huấn luyện là quá trình tận dụng tối đa tài năng và kỹ năng của từng thành viên trong nhóm. Những người quản lý – huấn luyện viên giỏi thường quan tâm đến từng thành viên. Thách thức của họ là tổ chức đội nhóm sao cho mỗi người được làm việc ở vị trí tốt nhất phù hợp nhất – nơi mà họ có thể tận dụng những điểm mạnh và có động lực cao để đóng góp. Từ đó, các nhà quản lý có thể thúc đẩy nhân viên thể hiện tối đa khả năng của mình.
Tuy nhiên, để duy trì thành công cho đội nhóm, người quản lý cần tương tác với các thành viên để giúp họ giải quyết các vấn đề. Đó là điều mà những người quản lý – huấn luyện viên xuất sắc thực hiện.
2. Không quản lý vi mô
Trong một dự án của Google với những nhà quản lý xuất sắc của họ đã chỉ ra, nhà quản lý thường tạo điều kiện cho nhân viên tự quyết định trong công việc và không can thiệp quá nhiều, không ép nhân viên phải làm theo cách của họ trong từng khía cạnh công việc. Khi người quản lý không để nhân viên tự làm việc và không tin tưởng vào khả năng của họ, kết quả có thể dẫn đến nhân viên cảm thấy mất động lực và không còn hứng thú cống hiến cho tổ chức.
3. Chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của nhân viên
Hầu hết các tổ chức đều chuẩn bị kế hoạch cho những trường hợp khi nhân viên gặp nguy cơ kiệt sức. Tuy nhiên, người quản lý cần làm nhiều hơn thế. Họ cần nhìn nhận tổng thể về sức khỏe của nhân viên, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và cảm xúc, quản lý stress và các biện pháp chăm sóc phòng ngừa cho toàn bộ cá nhân.
Để đặt sự phát triển toàn diện lên hàng đầu, các nhà quản lý nên bắt đầu bằng việc tiến hành cuộc khảo sát với nhân viên để đo lường tất cả các khía cạnh của sức khỏe. Nghiên cứu của Gallup xác định sáu khía cạnh của sức khỏe bao gồm: tâm lý, sự nghiệp, xã hội, tài chính, thể chất và cộng đồng. Tất cả sáu khía cạnh này liên kết chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển toàn diện và cuộc sống trọn vẹn cho nhân viên.
4. Lắng nghe đội nhóm
Kỹ năng lắng nghe tích cực trong cuộc trò chuyện là nền tảng cho việc giao tiếp hiệu quả với con người. Điều này thể hiện sự tôn trọng và hứng thú với ý kiến của họ.
Tuy vậy, kỹ năng lắng nghe tích cực lại là một trong những kỹ năng ít được đào tạo trong lãnh đạo. Các nghiên cứu xác nhận rằng hầu hết chúng ta đều không lắng nghe thật sự hiệu quả. Khi bạn nói chuyện với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng trong 10 phút, các nghiên cứu cho thấy bạn chỉ tập trung lắng nghe dưới một nửa cuộc trò chuyện. Với vai trò người quản lý, việc phát triển kỹ năng lắng nghe tích cực là cực kỳ quan trọng để giải quyết vấn đề, xây dựng lòng tin và giành được sự đồng lòng và tâm huyết từ các thành viên trong nhóm.
5. Hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho nhân viên
Những người quản lý cần tin tưởng vào các thành viên trong nhóm bằng cách duy trì cái nhìn tích cực về họ, quan tâm đến công việc và hoạch định sự nghiệp, và tạo ra cơ hội học tập và phát triển cho nhân viên.
Các sai lầm thường gặp và bài học kinh nghiệm
1. Quản lý vi mô
Có nhiều nhà quản lý chi phối mọi khía cạnh của công việc của nhân viên, tự đề xuất các quyết định và quá trình làm việc, dẫn dắt với thái độ chủ quan khiến người khác e ngại, và đây cũng chính là sai lầm số một. Việc quản lý vi mô sẽ sẽ làm giảm động lực và sáng tạo của đội nhóm.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân gần như không còn tồn tại khi các tổ chức cho phép đội ngũ làm việc từ xa. Lịch làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã trở nên lỗi thời, và sự linh hoạt trong thời gian làm việc được đề cao.
Vấn đề mà hầu hết các nhà quản lý gặp phải khi làm việc không có sự đồng bộ là theo kịp lịch trình luôn biến đổi của đội nhóm trong khi vẫn đạt được các mục tiêu về năng suất. Vetri Vellore – CEO của công ty công nghệ Ally.io – cho biết rằng việc quản lý tổng thể, chứ không phải quản lý vi mô, mới là chìa khóa để đối phó với vấn đề này.
“Giữ cho nhân viên luôn tập trung vào mục tiêu chính cần làm thay vì tập trung vào các đầu việc nhỏ lẻ,” Vellore chia sẻ. “Miễn là các mục tiêu chính đạt được kết quả, còn không tôi sẽ không quan tâm khi nào họ hoàn thành công việc.”
2. Quản lý dựa vào quyền lực hoặc cái tôi
Tự mãn là nguồn gốc của nhiều cuộc xung đột. Trong một khảo sát của Inc., một người đã trình bày: “Sự kiêu căng trí tuệ như một con mối làm tổ trong một số lãnh đạo và mạng lưới tổ chức.”
Khi người quản lý tự thấy mình là nguồn thông tin cho tất cả câu trả lời và ý tưởng hay nhất, và sử dụng điều đó để áp đảo hoặc kiểm soát nhân viên, điều này sẽ phá huỷ tinh thần làm việc của nhân viên.
Ở mỗi chúng ta đều tồn tại một mức độ ích kỷ nào đó, nhưng việc thể hiện quá mức sự tự tin, sự kiêu ngạo và cái tôi của một người cấp trên trong môi trường làm việc nhóm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định chung, khiến cho mọi người cảm thấy chán nản và điều này thường dẫn đến kết cục không tốt.
“Nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào lòng kiêu hãnh bên trong… chúng ta sẽ bị ám ảnh bởi những gì chúng ta muốn và những thứ chúng ta cho là cần phải bảo vệ hoặc thúc đẩy nhằm thỏa mãn những lợi ích cá nhân của bản thân,” Walt Rakowich, tác giả của cuốn sách “Transfluence: How to Lead With Transformative Influence in Today’s Climates of Change,” viết.
3. Không lắng nghe
Việc lắng nghe đã trở thành một nghệ thuật bị “bỏ quên”. Như đã nói, việc thiếu sự lắng nghe tích cực và tôn trọng cùng với sự thiếu giao tiếp hai chiều – chỉ gửi thông tin mà không tiếp nhận – là một sai lầm rõ rệt ở nhiều nhà quản lý.
Có thể điều này là do các nhà quản lý bận rộn “chạy deadline” để đáp ứng các thời hạn và hoàn thành nhiệm vụ, và đơn giản là không dành thời gian để “sống chậm” và thực sự lắng nghe những điều đang diễn ra xung quanh họ.
Điều này có thể gây nguy hiểm, vì họ có thể bỏ qua những dấu hiệu quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, và thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả và sự phát triển sự nghiệp của chính họ.
Những nhà quản lý thường xuyên lắng nghe và hành động dựa trên phản hồi cho thấy rằng họ quan tâm đến nhân viên. Điều này cho thấy rằng nếu nhân viên đến gặp quản lý trình bày những vấn đề hoặc lo ngại, họ sẽ được lắng nghe, được đối xử một cách nghiêm túc và giải quyết một cách thích hợp.
“Chúng tôi đã áp dụng nhiều công cụ phản hồi, bao gồm cả khảo sát nhân viên, và tôi thường yêu cầu các thành viên trong nhóm gửi câu hỏi và tôi sẽ trả lời trong email Q&A hàng tuần của công ty,” Jason VandeBoom – CEO của ActiveCampaign – giải thích. “Quan trọng là bạn cần truyền đạt rằng bạn đang lắng nghe và sẵn lòng trả lời những câu hỏi khó một cách trung thực và minh bạch cho nhân viên.”
4. Bỏ qua tầm quan trọng của nhân viên
Một sai lầm thường gặp là nhà quản lý coi nhẹ giá trị của nhân viên. Họ có thể không quan tâm, không biết cách quan tâm, hoặc đã không còn quan tâm. Mà thực tế là, nhà lãnh đạo hay quản lý xem nhân viên đều có thể thay thế và như “bánh răng trên bánh xe” chứ không xem họ là đồng nghiệp xứng đáng được đối xử như các đối tác kinh doanh trong việc tạo ra những thành tựu.
Nhân viên muốn gì để thực sự cảm thấy được trân trọng bởi nhà quản lý của họ? Hai điều mà nhà quản lý có thể làm là:
Đầu tư vào nhân viên thông qua cơ hội phát triển và hướng dẫn.
Xác định những kỹ năng và điểm mạnh độc đáo của từng người và sử dụng một cách hiệu quả để đạt kết quả kinh doanh.
5. Thiếu sự tin tưởng
Vì nhân viên là những người tương tác trực tiếp với khách hàng nên họ nắm vững nhất cách thức công việc diễn ra. Do đó, các nhà quản lý cần tích lũy lòng tin của nhân viên bằng cách tiếp cận họ để lấy ý kiến, sự đồng thuận, tư vấn và ý tưởng cho chiến lược. Điều này tạo dựng nên một văn hóa đáng tin cậy, nơi những người làm việc cảm thấy đủ an toàn để đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến và chia sẻ những quan điểm mang giá trị và giúp giải quyết vấn đề chung.