GEM Global - Trusted training partner of businesses
As a member of Smart Train training organization, GEM Institute of Management (GEM Global) is a reliable training partner in Management and Leadership of Enterprises in Vietnam.
Việc đối xử tôn trọng với các thành viên trong tổ chức là nền tảng quan trọng của một nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Nhân viên khi không được tôn trọng thường có xu hướng cảm thấy mình bị bỏ qua, không được đối xử công bằng hoặc không được coi trọng.
Dữ liệu thu thập vào năm 2022 của Harvard Business Review từ 4.849 nhân viên cho thấy, có 4% người cảm thấy không được tôn trọng, và 86% cảm thấy được tôn trọng. Ban đầu, điều này nghe có vẻ đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ 4% vẫn còn quá cao, tương đương với khoảng một trong 25 đồng nghiệp cảm thấy mình không được tôn trọng, không phù hợp, hoặc thậm chí cảm thấy tự ti. Khó có thể tưởng tượng rằng những người có cảm giác như vậy có thể làm việc tốt hay đạt được tiềm năng của mình.
Vậy làm sao để các nhà quản lý và lãnh đạo thể hiện sự tôn trọng với nhân viên một cách thường xuyên hơn? Hãy cùng GEM Global tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết sau đây.
Tôn trọng sự đa dạng
Một chủ đề phổ biến mà nhóm nghiên cứu đã nghe từ những người cảm thấy không được tôn trọng ở nơi làm việc là “Tôi quá khác biệt với những người còn lại” hoặc “Tôi không phù hợp với văn hóa công ty”. Nhiều người lãnh đạo nỗ lực tích cực để tuyển dụng thành viên đội ngũ đến từ các nền văn hóa khác nhau, kiểm soát những định kiến và đảm bảo mở lòng lắng nghe các quan điểm và ý kiến đa dạng từ họ. Tuy nhiên, có những nhà lãnh đạo cho rằng họ đã đối xử công bằng với tất cả mọi người nhưng hoàn toàn không nhận thức về những điểm mù của mình. Nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng nhiều nhà lãnh đạo có xu hướng đánh giá kỹ năng của mình trong lĩnh vực này không đúng mức.
Để xây dựng nền tảng tôn trọng, người lãnh đạo phải nhận thức rằng họ có thể chưa làm hết tất cả những gì có thể để cho thấy họ đánh giá cao sự đa dạng và sự khác biệt từ nhân viên của mình.
Luôn cập nhật những vấn đề và mối quan tâm của nhân viên
Mang vai trò là một người quản lý hay lãnh đạo, dù mục tiêu của bạn không phải là trở thành người bạn thân thiết của nhân viên, nhưng duy trì mức độ quen biết là điều cần thiết để xây dựng sự tôn trọng với họ. Khi bạn là người cuối cùng biết về những khó khăn mà nhân viên hoặc đồng nghiệp đang gặp phải, bạn có thể bị cám dỗ lý giải rằng đó là do một trong những bất lợi của vai trò lãnh đạo khiến bạn không thể nắm rõ được tình hình của mọi người. Sau cùng, làm sao bạn có thể biết được chuyện gì đang xảy ra trong nội bộ nhân viên của mình, đặc biệt là khi sự chênh lệch quyền lực giữa cấp trên và cấp dưới đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội?
Trên thực tế, bạn không thể biết được mọi điều. Nhưng bạn nên cố gắng truyền đạt rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe nhân viên khi họ muốn chia sẻ những vấn đề nhạy cảm hay những mối quan tâm sâu sắc. Hãy đặt mục tiêu cố gắng duy trì liên lạc với mọi người càng nhiều càng tốt, hỏi thăm họ về tình hình và khẳng định bạn sẽ hỗ trợ họ khi cần thiết. Việc đặt câu hỏi như “Công ty có tạo điều kiện cho bạn cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân không?” hoặc “Gia đình bạn đang như thế nào vào thời điểm này?” có thể mở ra các cuộc trò chuyện mang tính cá nhân hơn.
Việc duy trì liên lạc theo cách này thể hiện sự tôn trọng. Trong quá trình lắng nghe một nhân viên chia sẻ về mối quan hệ với người sếp yêu thích của anh ấy, nhóm nghiên cứu đã hỏi tại sao anh ấy đánh giá cao sếp của mình và câu trả lời của anh ấy là: “Anh ấy gọi cho tôi khi anh ấy không cần gì.” Những cuộc gọi định kỳ như thế, trong đó sếp chỉ quan tâm đến tình trạng cũng như phúc lợi của anh ấy đã tạo ra sự khác biệt to lớn.
Sự tin tưởng
Theo nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu một thành viên trong đội không tin tưởng bạn, điều này sẽ dẫn đến mức độ tin tưởng từ những người còn lại của đội giảm đi đáng kể. Điều này có thể gọi là một cảm xúc lây lan.
Nhóm nghiên cứu đã xác định rằng sự tin cậy được củng cố thông qua ba yếu tố chính: mối quan hệ tích cực, chia sẻ kiến thức/chuyên môn và sự nhất quán. Khi bạn đối xử tôn trọng với mọi người, bất kể nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo hay xu hướng tính dục của họ, bạn đang củng cố các mối quan hệ tích cực của mình, từ đó tạo sự tin cậy cao hơn từ phía những người khác.
Giải quyết xung đột
Ngay cả một xích mích nhỏ giữa một số thành viên trong nhóm cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hòa hợp của cả nhóm và trở thành nguồn gốc của sự không hài lòng và cảm giác không được tôn trọng. Thường thì, khi người lãnh đạo nhận thấy xung đột giữa các thành viên trong nhóm, họ quyết định không can thiệp – “Tôi sẽ để họ tự giải quyết xung đột; không cần tôi phải can thiệp” – nhưng lại không tuân thủ cách tiếp cận đó một cách nhất quán.
Việc giải quyết xung đột một cách chọn lọc tạo ra sự tôn trọng đối với một số người và thiếu sự tôn trọng đối với người khác. Xung đột trong nhóm giống như một đám cháy nhỏ trong rừng, nếu được phát hiện sớm, có thể dễ dàng dập tắt, nhưng nếu bị bỏ qua, có thể gây ra tổn thương đáng kể. Lãnh đạo cần giải quyết xung đột một cách nhanh chóng khi nó xảy ra. Một lãnh đạo tôn trọng người khác sẽ không né tránh mà sẵn lòng tham gia vào việc hàn gắn xung đột.
Tạo sự cân bằng giữa “kết quả” và “người làm nên kết quả”
Nếu bạn chỉ quan tâm đến kết quả mà bỏ qua người đã làm nên nó, bạn đang thể hiện sự thiếu tôn trọng. Trong nhiều tình huống, chỉ cần bạn tạo ra những ngoại lệ nhỏ cho nhân viên của mình (cho họ nghỉ khi có con cái ốm, gặp tai nạn hoặc cần nghỉ ngơi phục hồi tinh thần), cũng tạo nên tác động to lớn đến sự hài lòng và cam kết của họ đối với tổ chức.
Các lãnh đạo xuất sắc cân nhắc giữa việc đạt kết quả và hiểu được thực tế mà những người tạo ra kết quả phải đối mặt. Tổ chức và lãnh đạo cần lắng nghe những yêu cầu của nhân viên để xây dựng một văn hóa nơi làm việc ủng hộ cân bằng công việc và cuộc sống. “Bạn không thể đóng băng và khởi động lại văn hóa tổ chức theo yêu cầu – điều này phải được tìm kiếm hàng ngày và không chỉ theo một cách mà qua quy trình nhân sự, cam kết, sự chịu trách nhiệm của quản lý, việc tuyển dụng những người phù hợp và việc thưởng cho ai,” – bà Kathleen Hogan, Giám đốc Nhân sự của Microsoft cho biết.
Khuyến khích thảo luận làm rõ vấn đề và quan điểm bất đồng
Một hành động đơn giản là hỏi ý kiến của người khác cũng là một cách mạnh mẽ để thể hiện sự tôn trọng. Nhưng bạn không chỉ đơn thuần hỏi – bạn còn phải lắng nghe và tham gia vào cuộc thảo luận. Khi một nhà lãnh đạo sẵn lòng lắng nghe các quan điểm khác nhau và nghiên cứu các vấn đề mà người khác quan tâm, họ thể hiện rằng họ đánh giá cao các thành viên trong nhóm đó.
Bạn không cần phải cho rằng vấn đề đó của nhân viên là quan trọng (thậm chí có thể bạn cho rằng nó nhỏ nhặt) hay cân nhắc xem quan điểm của họ là đúng hay sai. Nhưng việc thực sự lắng nghe, đặt câu hỏi cho họ chứng tỏ sự tôn trọng của bạn.
Bạn cũng có thể nâng cao sự tôn trọng bằng cách lắng nghe chủ ý đối với những ý kiến trái ngược với quan điểm của mình. Điều này thể hiện rằng “Tôi sẵn lòng tiếp thu cách suy nghĩ khác và muốn hiểu rõ hơn” và “Tôi coi trọng bạn dù chúng ta có quan điểm khác nhau.”
Đưa ra phản hồi trung thực và hữu ích
Việc đưa ra phản hồi trung thực và hữu ích có thể làm cho người khác cảm thấy được tôn trọng, miễn là nó được truyền đạt một cách đúng đắn. Là nhà lãnh đạo hoặc quản lý, bạn nên đưa ra những phản hồi về công việc của người đó một cách công bằng. Nếu một nhân viên thực hiện đúng 90% công việc và sai sót 10%, phản hồi trung thực sẽ tập trung vào 90% phản hồi tích cực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người lãnh đạo chỉ cung cấp phản hồi cho 10% lỗi sai mà không chú ý đến những điểm tốt, tạo cảm giác như chỉ quan tâm đến lỗi lầm của nhân viên thì điều này khiến họ cảm thấy bị coi thường và không được tôn trọng.
Tất nhiên, sự tôn trọng có thể có nghĩa khác nhau đối với từng người, và những người mà bạn đang lãnh đạo có những mối quan tâm khác nhau. Bạn nên cân nhắc xem xét các phương pháp trên, sau đó chọn một hoặc hai cách mà bạn tin rằng sẽ mang ý nghĩa đặc biệt đối với nhân viên của bạn, và tìm cách thực hiện chúng một cách chân thành và tự nhiên.
Những người lãnh đạo xuất sắc đương nhiên sẽ được tôn trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ có những suy nghĩ sâu sắc và biết bày tỏ sự thấu hiểu, tôn trọng đối với nhân viên của mình.