Theo lãnh đạo đứng đầu Bộ TT&TT, đây chính cơ hội để Việt Nam nhanh hoạt động chuyển đổi số. Bởi dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc, trong khi đó, công nghệ số hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức với doanh nghiệp, nhưng thách thức luôn đi liền với cơ hội, nếu các chủ doanh nghiệp có được góc nhìn tích cực. Theo vị lãnh đạo đứng đầu Bộ TT&TT, đây chính cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số. Bởi dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc, trong khi đó, công nghệ số hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp.
“Công nghệ số giải được bài toán nhanh, phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội nên đầu tư nhiều hơn, đầu tư mạnh hơn cho công nghệ số vào chính lúc này”, ông Hùng nhận định. Do đó, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hoá, mọi thứ lên môi trường số. Đây là cơ hội, vì nếu cứ bình thường, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm.
“Việt Nam có một vị thế rất tốt trong thế giới số hóa. Bạn có thể xem xét về sự thâm nhập truyền thông của điện thoại di động. Nếu bạn nhìn vào thị trường Việt Nam, tỉ lệ đó là 1 trên 1,5, có nghĩa là mỗi một người có nhiều hơn 1 điện thoại di động. Nếu so sánh với thế giới, tỉ lệ chỉ là 1 trên 2/3, Việt Nam chắc chắn đang ở một vị thế tốt, rất nhiều người đang sử dụng mạng xã hội và số lượng đang ngày càng tăng lên. Bạn sẽ thấy rằng Việt Nam đang ở một vị trí tốt để hưởng lợi từ công cuộc số hóa ngay bây giờ”, ông Erich Gerber – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của TIBCO đánh giá.
Theo ông Erich Gerber, Việt Nam có một lợi thế là không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi từ mô hình cũ, công nghệ cũ như những quốc gia sớm phát triển công nghiệp. Hiện tại, các công ty công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ và tỷ lệ sử dụng công nghệ tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Với những lợi thế đó, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đan diễn biến phức tạp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng các doanh nghiệp hoặc là chuyển đổi số, hoặc là chết.
“Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng mới, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang dần thay thế chức năng mà con người bấy lâu nay vẫn làm. Thế giới thực sinh ra thế giới ảo, và thế giới ảo sẽ sinh ra thế giới thực, mỗi công dân trở thành một doanh nghiệp số, thay đổi cách thức giao tiếp, cách thức sống”, ông Bình nói.
Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, chuyển đổi số đôi khi là những công việc thường ngày, như dùng phần mềm quản lý giấy tờ, quản lý công việc, dùng Zalo để chat hoặc dùng một ứng dụng để giao việc – đó là chuyển đổi số.
Ông Bình ví von chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam như việc thả ếch vào một nồi nước lạnh. Ban đầu, nước còn lạnh thì ếch không hề có phản ứng gì. Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, và đến lúc nước sôi thì đã muộn.
“Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhìn ra bài toán cần phải chuyển đổi số. Nhưng vì loay hoay, hoặc chủ quan, thời điểm hiện tại chưa thực sự quyết tâm, nên rất dễ rơi vào trường hợp chú ếch kia. Vì chỉ 5-10 năm nữa thôi, khi doanh nghiệp cảm thấy “nóng”, thì đã trở thành món ếch luộc lúc này chẳng hay”, lãnh đạo NextTech chia sẻ.
Trên thế giới, 1.300 tỉ USD đã được dùng cho chuyển đổi số vào năm 2018, nhưng có đến 70% là thất bại và không mang đến bất cứ một chuyển biến tích cực nào, 30% có thể thấy được kết quả, và chỉ có 16% được đánh giá là thành công. Con số này chắc chắn cũng không khả quan hơn tại thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội cho chuyển đổi số, nhưng để làm được thì không hề đơn giản. Khảo sát của IDC cho thấy, năm 2018 có 90% các doanh nghiệp được khảo sát đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu cho tới triển khai thục hiện. Hơn 30% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xem xét chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), 3 lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất tại Việt Nam gồm: CNTT với mức độ sẵn sàng lên đến 77,3%. Tiếp đến là lĩnh vực tài chính, ngân hàng (69,3%) và thương mại điện tử (65,5%)
Tính đến cuối năm 2018, gần 70% người dân Việt Nam đang sử dụng Internet. Theo số liệu thống kê của Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong nhóm 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.
Việt Nam đứng thứ 25/39 trong danh sách các quốc gia được nghiên cứu có tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) trong tổng dân số nhiều nhất trên thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, Việt Nam cũng là một quốc gia có sự gia tăng số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với mức tăng trưởng khoảng 18% (giai đoạn 2015-2019). Đây được xem là một thuận lợi của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Nguồn: The Leader.vn