GEM Global - Trusted training partner of businesses
As a member of Smart Train training organization, GEM Institute of Management (GEM Global) is a reliable training partner in Management and Leadership of Enterprises in Vietnam.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là điều quá xa lạ khi hiện nay đã có rất nhiều phát minh và sản phẩm được ứng dụng vào đời sống. Theo Doanh Nhân Sài Gòn, AI đã trở nên vô cùng phổ biến và do đó nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến chúng để hỗ trợ cho việc quảng cáo, marketing, kinh doanh.
Tuy nhiên, AI vẫn là công cụ còn quá mới và do đó chưa có bộ khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc sử dụng chúng. Trong bài viết này hãy cùng GEM Global tìm hiểu 5 rủi ro pháp lý mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì?
Theo Google, trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) là một lĩnh vực khoa học liên quan đến việc chế tạo máy tính và máy móc có thể suy luận, học hỏi và hành động theo cách thông thường đòi hỏi trí thông minh của con người, hoặc liên quan đến dữ liệu có quy mô vượt quá khả năng phân tích của con người.
AI là một lĩnh vực rộng bao gồm nhiều ngành khác nhau, bao gồm khoa học máy tính, phân tích và thống kê dữ liệu, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, ngôn ngữ học, khoa học thần kinh, thậm chí cả triết học và tâm lý học.
Ở cấp độ dành cho doanh nghiệp, AI là một tập hợp các công nghệ chủ yếu dựa trên machine learning (học máy) và deep learning (học sâu), được sử dụng để phân tích dữ liệu, dự đoán và dự báo, phân loại đối tượng, xử lý ngôn ngữ, đề xuất, truy xuất dữ liệu thông minh, v.v.
Các phần mềm ứng dụng AI hiện nay có thể kể đến như công cụ chatbox ChatGPT – sản phẩm nổi tiếng nhất của OpenAI; công cụ sáng tạo nội dung Jasper Art, StabilityAI; công cụ tạo hình ảnh từ văn bản Midjourney và DALL-E; v.v.
5 rủi ro pháp lý các doanh nghiệp cần quan tâm khi sử dụng AI
Thông tin, nội dung sai lệch
Việc người dùng nhận được những thông tin hoặc nội dung sai lệch trong quá trình sử dụng các công cụ tổng hợp văn bản như ChatGPT là điều có thể xảy ra, do tính năng lọc thông tin của các ứng dụng này chưa được tối ưu hoàn toàn. Theo Justin Pierce – Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ Công ty Luật Venable tại Washington, D.C. Mỹ – cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất đối với các công cụ này là nếu các doanh nghiệp sử dụng chúng để viết quảng cáo cho một sản phẩm, mà trong mẫu quảng cáo đó chứa thông tin không đúng sự thật thì doanh nghiệp sẽ tự đưa mình vào thế khó cũng như đánh mất uy tín, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu.
Vì vậy để phòng tránh điều này, các doanh nghiệp chỉ nên sử dụng nội dung do AI cung cấp làm xuất phát điểm với vai trò tham khảo, chứ không nên phê duyệt là nội dung cuối cùng. Người phụ trách công việc sử dụng công cụ như ChatGPT cũng có thể yêu cầu trích nguồn cho văn bản mà nó tạo ra và tự kiểm tra nội dung cũng có thể giúp đảm bảo độ chính xác của tài liệu.
Xung đột lợi ích với người nổi tiếng
Các công cụ AI sáng tạo hình ảnh hiện nay đã có thể tạo ra các tác phẩm theo phong cách của một nghệ sĩ cụ thể, cũng như những hình ảnh có nét giống một nhân vật nổi tiếng. Mặc dù điều này có thể sử dụng chỉ để minh họa cho bản tin hoặc bài đăng trên mạng xã hội, nhưng việc sử dụng hình ảnh của người thật có thể khiến doanh nghiệp gặp rắc rối.
“Về mặt chính sách, các doanh nghiệp nên tránh đưa tên của các nhãn hiệu, người nổi tiếng, các hình ảnh phổ biến hoặc nhân vật hư cấu nổi tiếng vào nội dung (được tạo bởi AI). Khi làm vậy, khả năng cao là nội dung có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền, vi phạm quyền công khai hoặc vi phạm nhãn hiệu”, Pierce chia sẻ.
Không được luật bản quyền tác giả bảo vệ
Quyền sở hữu bản quyền tác phẩm từ trước đến nay do phần mềm máy tính làm ra không gây quá nhiều tranh cãi, vì chúng chỉ đóng vai trò “hỗ trợ”, cũng tương tự cây bút hay tờ giấy của người tác giả vậy. Khi đó, các tác phẩm đủ điều kiện sẽ được luật bản quyền tác giả bảo vệ nếu nó là bản gốc, với phần lớn định nghĩa yêu cầu tác giả là người. Ở một số quốc gia như Tây Ban Nha hay Đức, chỉ tác phẩm được con người làm ra mới được luật pháp bảo vệ.
Tuy nhiên, khó có thể khẳng định ở thời điểm hiện tại liệu AI chỉ đang giữ vai trò “hỗ trợ” hay không, bởi các công cụ AI tiên tiến nhất cũng đã tham gia sáng tạo nội dung mà không cần con người. Và với việc AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đồng nghĩa chúng sẽ ngày càng “giỏi hơn”, lằn ranh giữa tác phẩm do “người làm” và “máy làm” sẽ càng thêm mong manh, kéo theo rủi ro không được luật bản quyền tác giả bảo vệ.
Rò rỉ thông tin doanh nghiệp
Các dòng code (mã lập trình), hình ảnh hoặc văn bản do người dùng AI nhập vào thường được hệ thống giữ lại và chúng có thể bị phát hiện bởi người khác.
Pierce khuyến cáo rằng, “Bạn phải thật cẩn thận để không đưa thông tin bí mật hoặc mang tính độc quyền vào các nền tảng AI sáng tạo nội dung. Ví dụ, nhân viên công ty sử dụng AI vì muốn cải thiện phần mềm, họ có thể tìm cách viết một số dòng code hiệu quả hơn và đưa dòng code của doanh nghiệp vào, rồi hỏi AI cách tốt nhất để hoàn thành nó. Khi làm điều này hãy tuyệt đối cẩn thận, vì người nhân viên đó có thể đang phát tán code độc quyền của doanh nghiệp và làm suy yếu khả năng bảo vệ thông tin hoặc bí mật thương mại của tổ chức”.
Tony Pietrocola – người đồng sáng lập Công ty An ninh mạng AgileBlue tại Cleveland (Mỹ) – đưa ra cảnh báo, nếu các dòng code của doanh nghiệp bị phát hiện, các hacker có thể thông qua chính công cụ AI để thăm dò và tìm lỗ hổng. Giải pháp hiện nay chính là đã có một số công cụ cung cấp cho người dùng tùy chọn không chia sẻ ngôn ngữ truy vấn với công ty, và khuyến khích người dùng chuyển sang dùng công cụ phiên bản trả phí để có thể kiểm soát tốt hơn dữ liệu đang được họ chia sẻ.
Khách hàng bị lấy cắp thông tin
Các doanh nghiệp hãy thật thận trọng trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng, bao gồm số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… khỏi các ứng dụng Chatbot AI. Theo Pietrocola, ông đã thấy nhiều doanh nghiệp đưa thông tin liên quan đến tài chính hoặc khách hàng vào công cụ như ChatGPT để giúp họ hiểu và tổng hợp dữ liệu. Điều này có thể vi phạm luật về quyền riêng tư, đặc biệt với những công ty làm trong các lĩnh vực được quản lý chặt chẽ như tài chính và chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, thông tin cá nhân của khách hàng có khả năng bị hacker phát hiện và sử dụng để lừa đảo.
Kết luận
Chúng ta không thể phủ nhận sự tiện dụng và lợi ích mà các công cụ AI mang lại. Tuy nhiên, vì chưa có một bộ khung pháp lý nào hoàn chỉnh dành cho lĩnh vực này nên các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng khi sử dụng và tránh phụ thuộc quá nhiều vào chúng. Hãy cố gắng xem xét thật kỹ mặt pháp lý trước khi công bố bất kỳ một nội dung nào đó có tham khảo từ các ứng dụng AI để tránh tối đa những rủi ro không đáng có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.