GEM Global - Trusted training partner of businesses
As a member of Smart Train training organization, GEM Institute of Management (GEM Global) is a reliable training partner in Management and Leadership of Enterprises in Vietnam.
Quản lý nhân viên là một công tác không thể thiếu trong điều hành một doanh nghiệp. Trên cương vị là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải làm gì để quản lý toàn bộ nhân viên đang làm việc tại công ty một cách hiệu quả nhất? Hãy cùng GEM Global tìm hiểu thông qua bài viết chi tiết dưới đây!
I. Vì sao nhà lãnh đạo cần quan tâm các cách quản lý nhân viên?
Quản lý nhân viên là công việc vô cùng quan trọng cần phải thực hiện xuyên suốt, để đảm bảo một công ty vận hành năng suất và hiệu quả nhất. Trong một doanh nghiệp nhiều nhân sự, không phải lúc nào toàn bộ nhân viên đều có thể tập trung cho công việc. Họ sẽ có thể dễ dàng bị xao nhãng, phân tâm bởi nhiều thứ, nguyên nhân có thể đến từ trong công ty hoặc từ cuộc sống cá nhân.
Một người lãnh đạo sắc sảo ngoài hiểu biết sâu rộng, cần phải có khả năng nhận biết nhạy bén, nhanh chóng phát hiện ra được nhân viên nào đang gặp phải vấn đề ảnh hưởng đến công việc chung, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp giúp đôi bên thêm hiểu nhau, cải thiện bộ máy công ty và giúp nhân viên toàn tâm toàn ý quay trở lại guồng quay công việc.
II. 8 cách quản lý nhân viên hiệu quả
1. Người dẫn lối đáng tin cậy
Là một người lãnh đạo, muốn quản lý nhân viên của mình, trước tiên bạn phải trở thành người có đầy đủ tiêu chuẩn của một nhân viên gương mẫu, có tài thao lược, tư duy sắc sảo, tầm nhìn rộng và đặc biệt biết bỏ qua cái tôi. Hãy là người tuân thủ tất cả quy định của công ty, từ tác phong, thái độ đến thời gian làm việc.
Dù ở cương vị quản lý, nhưng nhà lãnh đạo cũng không tránh khỏi mắc phải sai lầm. Những khi như vậy, thay vì trốn tránh thì bạn nên thẳng thắn nhận lỗi và nhanh chóng trao đổi với nhân viên để xử lý. Không được e ngại khó khăn và thử thách, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Làm được những điều này, nhân viên sẽ luôn tôn trọng, nể phục và làm theo một người đáng tin cậy như bạn.
2. Hiểu rõ năng lực của nhân viên
Biết nhìn người cũng là một điều vô cùng quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Nhận biết rõ năng lực của từng người nhân viên giúp bạn phân bổ đầu việc và nhiệm vụ cho họ một cách hợp lý, và cũng là cách để bạn đánh giá khả năng làm việc dựa trên hiệu quả hoàn thành công việc.
Mỗi nhân viên đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, do đó nếu không nắm rõ được điều này sẽ dẫn đến giao việc không phù hợp, những trường hợp như người giỏi không được làm những công việc đầy tính thử thách, người có năng lực tầm trung phải đảm nhiệm những nhiệm vụ khó nhằn,… Vừa khiến công việc không đạt hiệu quả cao, vừa khiến nhân viên cảm thấy chán nản và kiệt sức.
3. Định hướng lộ trình phát triển cho nhân viên
Định hướng cho nhân viên là một điều quan trọng trong quản lý vì có tác động đến việc nhân viên có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp bạn hay không. Một người nhân sự khi đến với công ty bạn không chỉ mong cầu một công việc ổn định mà còn muốn có sự thăng tiến trong nghề nghiệp, không một người có năng lực nào lại muốn dậm chân tại chỗ cả.
Việc định hướng này giúp nhân viên nhận ra được sự tiến bộ của bản thân qua từng giai đoạn, được công nhận năng lực, từ đó sẽ có sự hài lòng trong công việc, hài lòng đối với môi trường công ty và hình thành nên thái độ tích cực.
4. Lắng nghe để thấu hiểu
Trong môi trường doanh nghiệp, chúng ta hầu hết đều biết người quản lý sẽ là người chủ động nói và nhân viên sẽ là người nghe theo. Tuy nhiên hãy thử tráo đổi vai trò một chút, chẳng hạn trong một cuộc họp cần thành lập kế hoạch hay bàn bạc chiến lược, hãy lắng nghe ý kiến của nhân viên bạn trước.
Việc tạo điều kiện cho nhân viên lên tiếng trình bày và nhà lãnh đạo ở vị trí lắng nghe, sẽ cho người nhân viên cảm thấy bản thân có ích và được tôn trọng. Những ý tưởng của họ đưa ra dù có hợp lý hay không cũng đừng vội phán xét vì nó sẽ thể hiện tính cách, tư duy và kinh nghiệm của họ, từ đó bạn sẽ có thể hiểu hơn về nhân viên của mình.
Ngoài những ý tưởng cho công việc chung, hãy tạo cơ hội để họ được giải tỏa, nói ra những điều khó nói trong quá trình làm việc tại công ty. Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt những vấn đề mà nhân viên đang gặp phải, và tìm cách giải quyết kịp thời để đôi bên làm việc thêm thuận lợi.
5. Đặt mục tiêu công việc và đánh giá nhân viên
Giao việc cho nhân viên thôi vẫn chưa đủ, là nhà lãnh đạo bạn có thể hoàn toàn đặt mục tiêu cho họ hoặc để họ tự đặt mục tiêu cho bản thân, làm thế nào để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Đặt ra mục tiêu sẽ cho họ cái nhìn chi tiết hơn và có trách nhiệm trong công việc mình đảm nhận.
Đánh giá là một trong những cách quản lý nhân viên hiệu quả. Việc đánh giá này sẽ thông qua sự theo dõi hiệu suất trong công việc của từng người, rằng họ có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không. Dựa vào KPI, người lãnh đạo sẽ dễ dàng nhận biết được người nhân viên đó năng lực thực chất là như thế nào, từ đó sẽ có kế hoạch hiệu chỉnh công việc và vai trò của mỗi người trong quá trình hướng đến mục tiêu chung.
6. Đề ra chế độ thưởng – phạt công tâm
Việc đề ra chế độ thưởng – phạt rõ ràng sẽ giúp nhân viên của bạn nhận ra họ nên và không nên làm gì đối với những việc ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Là người quản lý, bạn cần chỉ ra cho nhân viên thấy khi họ làm tốt, hiệu quả cao thì mức thưởng của họ sẽ là gì, để họ cố gắng toàn tâm toàn lực đạt được và cảm thấy xứng đáng với công sức bỏ ra. Bên cạnh thưởng thì cũng phải có phạt, cho nhân viên biết rằng khi vi phạm hoặc làm điều gì gây ảnh hưởng nặng nề sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, hạn chế việc tái phạm lần sau.
7. Xây dựng đội nhóm lành mạnh
Tạo dựng môi trường làm việc nhóm là cách quản lý nhân viên đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Một môi trường làm việc nhóm lành mạnh sẽ giúp người nhân viên cảm thấy thoải mái và phát huy hết khả năng, ở đó họ có thể tự tin đưa ra ý kiến của mình, được người khác lắng nghe và phản hồi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
8. Kiểm soát cảm xúc và hành động
Là nhà lãnh đạo, bạn cần phải biết rằng la mắng không phải là cách thức hiệu quả để thuyết phục hoặc ép nhân viên của bạn nghe theo một điều gì đó. Quát tháo ngoài việc không thể giải quyết vấn đề ổn thỏa mà còn khiến cho mối quan hệ giữa đôi bên khó xử và hình thành khoảng cách, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chung. Dù lỗi lầm có đến từ phía nhân viên của bạn hay không, hãy cố gắng bình tĩnh, giữ tâm trạng ổn định và cùng nhau tìm cách giải quyết với sự tôn trọng đối phương. Biết kiểm soát cảm xúc và hành động của bản thân cũng là một nghệ thuật trong quản trị nhân sự.
Bên trên là toàn bộ các cách quản lý nhân viên hiệu quả nhất mà các nhà lãnh đạo có thể tham khảo. Việc áp dụng hợp lý những điều này trong quá trình điều hành sẽ giúp các cấp trên có cái nhìn cụ thể hơn về từng người nhân viên, từ đó sẽ đề ra được những giải pháp thích hợp để hiệu chỉnh, cải thiện bộ máy quản lý, khiến công ty ngày càng phát triển hơn nữa trong hiện tại và tương lai.